Nhãn sinh thái là gì? Tiêu chí nhãn sinh thái cho bao bì nhựa

Nhãn sinh thái là gì? Tiêu chí nhãn sinh thái cho bao bì nhựa

Nhãn sinh thái là gì?

Nhãn sinh thái Việt Nam là một chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành cho các sản phẩm và dịch vụ được xác định là thân thiện với môi trường. Để đạt được nhãn này, việc quan trắc, phân tích và đánh giá sự phù hợp của sản phẩm hoặc dịch vụ với tiêu chí của Nhãn sinh thái Việt Nam phải được thực hiện bởi các tổ chức chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu chính của Nhãn sinh thái Việt Nam đối với Bao bì nhựa thân thiện với môi trường là gì?

  1. Mục tiêu chính của Nhãn sinh thái Việt Nam là bảo vệ môi trường thông qua việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm được chứng nhận là Nhãn sinh thái Việt Nam trên thị trường. Không chỉ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn đóng góp vào việc duy trì cân bằng sinh thái.
  2. Giảm thiểu lượng chất thải rắn và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên là một phần quan trọng.
    Chúng ta cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng bao bì nhựa để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc tái chế không chỉ giảm áp lực lên nguồn tài nguyên tự nhiên mà còn giảm khả năng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra.
  3. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính 
    Giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất và xử lý bao bì nhựa sau khi sử dụng là một phần quan trọng của chiến lược bảo vệ môi trường của chúng ta. Tối ưu hóa quy trình sản xuất và áp dụng các biện pháp xử lý hiệu quả, các doanh nghiệp và mỗi cá nhân có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào không khí, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và môi trường sống.

 Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa và Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT 

Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT, được ban hành vào ngày 7 tháng 11 năm 2023 bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh dấu một bước cải tiến quan trọng cho chứng nhận bao bì thân thiện môi trường trước đây. Quyết định này tập trung vào việc thiết lập tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa được coi là thân thiện và đặt ra các chuẩn mực rõ ràng và cụ thể để đánh giá và xác định bao bì nhựa nào được coi là thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Việc thiết lập tiêu chí này không chỉ giúp tạo ra một hệ thống đánh giá chất lượng cho bao bì nhựa mà còn khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm bao bì nhựa có ảnh hưởng tích cực đến môi trường, góp phần bảo vệ và tạo ra môi trường sống lành mạnh.

nhãn sinh thái

Cùng với quyết định này tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam cho Bao bì nhựa thân thiện với môi trường, mã tiêu chí NSTVN – 01:2023 được ban hành cùng.

Theo đó, bao bì nhựa thân thiện với môi trường (gọi tắt là bao bì) bao gồm các loại bao bì nhựa phân hủy sinh học; bao bì nhựa tái chế được sản xuất từ nguyên liệu chính là nhựa polyethylene (PE) hoặc polypropylene (PP), có dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi) hoặc dạng màng để bảo vệ, bao bọc, che phủ và chứa đựng giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt hoặc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng…

Cần tuân thủ những tiêu chí gì để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường:

  1. Sử dụng các nguyên liệu và công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất bao bì nhựa.
  1. Tăng cường việc tái chế và tái sử dụng bao bì nhựa, giảm thiểu lượng chất thải và tài nguyên tiêu thụ.
  1. Áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất và xử lý bao bì nhựa.
  1. Thực hiện các hoạt động giáo dục và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng bao bì nhựa có hiệu quả. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định liên quan.

Các tiêu chí cụ thể bao gồm:

Về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu:

a) Nguyên liệu và vật liệu sử dụng để sản xuất bao bì đều có nguồn gốc từ nhựa sinh học (đối với bao bì nhựa phân hủy sinh học) hoặc nhựa PE, nhựa PP tái chế đã được làm sạch (đối với bao bì nhựa tái chế), và không chứa các thành phần, chất trong danh mục cấm nhập khẩu và sử dụng theo quy định của Việt Nam.

b) Không sử dụng các loại mực, thuốc nhuộm, chất màu và các chất phụ gia khác không an toàn cho môi trường và sức khỏe trong quá trình sản xuất bao bì.

Về đặc tính kỹ thuật, giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong sản phẩm:

a) Sản phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương (nếu có).

b) Đối với bao bì nhựa phân hủy sinh học: tỷ lệ phân hủy sinh học của bao bì tối thiểu 90% trong thời gian 02 (hai) năm trong môi trường tự nhiên, compost hoặc trong bãi chôn lấp chất thải rắn.

c) Đối với bao bì nhựa tái chế: có tối thiểu 20% nguyên liệu sản xuất bao bì từ nhựa tái chế, có độ dày từ 50 µm trở lên, kích thước tối thiểu mỗi chiều từ 50 cm trở lên.

d) Hàm lượng tối đa cho phép của các kim loại nặng, phi kim và Flo quy định trong bao bì như sau: Asen (As): 5 mg/kg; Cadimi (Cd): 0,5 mg/kg; Chì (Pb): 50 mg/kg; Đồng (Cu): 50 mg/kg; Kẽm (Zn): 150 mg/kg; Thủy ngân (Hg): 0,5 mg/kg; Niken (Ni): 25 mg/kg; Crom (Cr): 50 mg/kg; Molyden (Mo): 1 mg/kg; Selen (Se): 0,75 mg/kg; Flo (F): 100 mg/kg.

đ) Phương pháp thử nghiệm xác định các thông số quy định tại điểm b, c và d nêu trên thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) như: TCVN 11318, TCVN 11319, TCVN 11797, TCVN 11798, TCVN 9493, TCVN 13114, TCVN 10100, TCVN 10101; hoặc tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 14851, ISO 14852, ISO 14855, ISO 17088; tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASTM 6400, tiêu chuẩn Châu Âu EN 13432, tiêu chuẩn Ô-xtrây-lia AS 4736; hoặc tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tương đương.

Việc thử nghiệm được tiến hành bởi các phòng thử nghiệm được công nhận theo TCVN ISO/IEC 17025 đối với phương pháp thử nghiệm xác định các thông số tương ứng.

Trường hợp đăng ký nhiều nhãn hiệu sản phẩm có sử dụng cùng chủng loại và tỷ lệ phối trộn nguyên liệu với cùng công nghệ sản xuất thì có thể thực hiện thử nghiệm đối với sản phẩm có tính đại diện.

Về thu hồi, tái chế, xử lý, thải bỏ, Kế hoạch thu hồi, tái chế bao bì đã qua sử dụng; thông tin về địa chỉ cơ sở tái chế; quy trình thu hồi và tái chế, thải bỏ; công nghệ tái chế; các giải pháp thu hồi, tái chế, xử lý, thải bỏ bao bì đã qua sử dụng và giải pháp bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật.

Kết Luận

Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến tương lai bền vững. Chuyển đổi sang nhãn sinh thái cho bao bì nhựa là giải pháp thiết thực để ứng phó với tình trạng ô nhiễm nhựa hiện nay.

Hiện tại, Công ty TNHH Di Đại Hưng đang tích cực theo dõi và nhanh chóng thực hiện các yêu cầu cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn về nhãn sinh thái, nhằm bảo vệ môi trường góp phần xây dựng một tương lai xanh, sạch, đẹp và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm bao bì có giá thành hợp lý, thân thiện.

Chia sẻ